Quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài không thuộc diện chấp thuận chủ trương

Bước 1. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư ra nước ngoài

- Nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ (sau đây gọi tắt là Bộ phận Một cửa) hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính công ích đến Bộ phận Một cửa.

- Khi giao dịch tiếp nhận hồ sơ, công chức Bộ phận Một cửa kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:

+ Kiểm tra danh tính số của cá nhân, tổ chức hoặc giấy tờ pháp lý tương đương trong trường hợp cá nhân chưa có căn cước công dân.

+ Công chức Bộ phận Một cửa kiểm tra thành phần hồ sơ đã có trong Kho quản lý dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức; và thực hiện số hoá các giấy tờ trong hồ sơ chưa được lưu trữ điện tử thuộc diện phải thực hiện số hoá theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP bao gồm: Giấy tờ trong thành phần hồ sơ mà cá nhân, tổ chức nộp kết quả giải quyết của thủ tục hành chính trước đó.

+ Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ thành phần, số lượng theo quy định: Trả lại hồ sơ, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện và nộp lại; lập Phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ giao ngay cho người nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu chính (nếu hồ sơ gửi qua dịch vụ bưu chính). Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận hồ sơ, Bộ phận Một cửa gửi Phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đối với hồ sơ được nộp qua đường bưu chính.

+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ, đầy đủ thành phần, số lượng theo đúng quy định tại Quyết định công bố thủ tục hành chính của Bộ: Thực hiện tiếp nhận hồ sơ; nhập thông tin và Sổ theo dõi hồ sơ; lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả; giao Giấy tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả có đầy đủ thông tin cho người nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu chính (nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu chính); Thực hiện cấp Mã số hồ sơ (mã số ghi trong Giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả cho nhà đầu tư (nếu có)).

Bước 2. Chuyển hồ sơ cho Cục Đầu tư nước ngoài

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, công chức tại Bộ phận Một cửa lập Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ; bàn giao hồ sơ và Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ cho Cục Đầu tư nước ngoài ngay trong ngày tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp, hồ sơ tiếp nhận sau 16 giờ 30 phút trong ngày làm việc theo quy định thì người tiếp nhận có trách nhiệm chuyển hồ sơ vào trước 09 giờ sáng của ngày làm việc kế tiếp.

Bước 3. Lấy ý kiến góp ý đối với hồ sơ

- Đối với hồ sơ dự án có vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên, Cục Đầu tư nước ngoài dự thảo văn bản của Bộ, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài ký thừa lệnh Bộ trưởng, chuyển Phòng Hành chính, Văn phòng Bộ Tài chính đóng dấu, phát hành văn bản gửi lấy ý kiến kèm 01 bộ hồ sơ (bản sao) cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 01 bộ hồ sơ (bản sao) gửi Vụ Đầu tư và 01 bộ hồ sơ (bản sao) gửi Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước đối với trường hợp nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản trả lời Bộ Tài chính trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến; Vụ Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước có văn bản trả lời Cục Đầu tư nước ngoài trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.

Nội dung lấy ý kiến đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Đối với hồ sơ dự án có vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương dưới 20 tỷ đồng, không thuộc ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, hồ sơ rõ ràng, đầy đủ thủ tục pháp lý và hợp lệ theo quy định, Cục Đầu tư nước ngoài chủ động xem xét. Trường hợp cần thiết thì lấy ý kiến Vụ Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước về nội dung cụ thể, Cục Đầu tư nước ngoài có văn bản của Cục gửi 01 bộ hồ sơ (bản sao) lấy ý kiến của Vụ Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước. Vụ Đầu tư và Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước có văn bản trả lời Cục Đầu tư nước ngoài trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.

- Đối với hồ sơ dự án thuộc ngành, nghề có điều kiện hoặc có nội dung liên quan cần xin ý kiến các Bộ, ngành, trường hợp cần thiết, Cục Đầu tư nước ngoài dự thảo văn bản của Bộ, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài ký thừa lệnh Bộ trưởng, chuyển Phòng Hành chính, Văn phòng Bộ Tài chính đóng dấu, phát hành văn bản gửi lấy ý kiến kèm hồ sơ (bản sao) cho Bộ, ngành liên quan. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, các Bộ, ngành liên quan có văn bản trả lời Bộ Tài chính.

- Trường hợp cần thiết, Cục Đầu tư nước ngoài có văn bản của Cục gửi 01 bộ hồ sơ (bản sao) lấy ý kiến các đơn vị liên quan trong Bộ. Đơn vị được lấy ý kiến có văn bản trả lời Cục Đầu tư nước ngoài trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.

- Phòng Hành chính, Văn phòng Bộ Tài chính tiếp nhận văn bản trả lời của các cơ quan, Bộ, ngành được lấy ý kiến chuyển Lãnh đạo Văn phòng Bộ Tài chính phân văn bản và chuyển Cục Đầu tư nước ngoài. Văn bản trả lời của các đơn vị thuộc Bộ được chuyển trực tiếp đến Cục Đầu tư nước ngoài.

Bước 4. Xem xét nội dung hồ sơ

- Sau khi nhận được ý kiến góp ý của các cơ quan/đơn vị, trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng điều kiện cấp GCNĐK ĐTRNN hoặc có nội dung cần làm rõ:

+ Cục Đầu tư nước ngoài có văn bản của Cục đề nghị nhà đầu tư giải trình, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Văn bản ghi rõ căn cứ, nội dung, thời hạn sửa đổi, bổ sung hồ sơ và chuyển Bộ phận Một cửa để gửi cho nhà đầu tư.

+ Bộ phận Một cửa tiếp nhận hồ sơ giải trình, bổ sung của nhà đầu tư, chuyển Cục Đầu tư nước ngoài.

- Trường hợp đáp ứng điều kiện cấp GCNĐK ĐTRNN, Cục Đầu tư nước ngoài dự thảo GCNĐK ĐTRNN.

- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc không đáp ứng điều kiện cấp GCNĐK ĐTRNN, Cục Đầu tư nước ngoài dự thảo văn bản của Bộ từ chối cấp GCNDK ĐTRNN, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài ký thừa lệnh Bộ trưởng, chuyển Phòng Hành chính, Văn phòng Bộ Tài chính đóng dấu, phát hành văn bản.

Bước 5. Phát hành kết quả cho nhà đầu tư và sao gửi các bộ, cơ quan liên quan

- Trường hợp đáp ứng điều kiện cấp GCNĐK ĐTRNN, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài ký thừa uỷ quyền Bộ trưởng. Sau khi GCNĐK ĐTRNN có đủ mã số, ngày cấp, chữ ký và đóng dấu, Cục ĐTNN chuyển bản in GCNĐK ĐTRNN đến Bộ phận Một cửa để trả kết quả cho nhà đầu tư.

- Trường hợp từ chối cấp GCNĐK ĐTRNN, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài ký thừa lệnh Bộ trưởng, chuyển văn bản thông báo từ chối cấp GCNĐK ĐTRNN đã phát hành đến Bộ phận Một cửa.

- Bộ phận Một cửa thông báo và trả kết quả cho nhà đầu tư và cập nhật kết quả vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính và sao gửi các cơ quan liên quan. Bộ phận Một cửa trả kết quả cho nhà đầu tư trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.

- Công chức (hoặc viên chức) của Cục Đầu tư nước ngoài được cử đến làm nhiệm vụ tại Bộ phận Một cửa phối hợp với công chức thường trực của Văn phòng Bộ Tài chính tại Bộ phận Một cửa số hoá GCNĐK ĐTRNN đã cấp.

- Tổng thời gian Bộ Tài chính xử lý hồ sơ (kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đến ngày phát hành kết quả) là 15 ngày.

Bước 6. Lưu trữ hồ sơ

Cục Đầu tư nước ngoài thực hiện việc lưu trữ:

- Hồ sơ bản giấy và bản điện tử (nếu đã được số hoá).

- GCNĐK ĐTRNN bản điện tử.

Bước 7. Công khai kết quả giải quyết hồ sơ

Cục Đầu tư nước ngoài công khai kết quả giải quyết hồ sơ trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính.

Từ viết tắt:

- Bộ phận Một cửa: Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính (thuộc Văn phòng Bộ Tài chính);

- Cục ĐTNN: Cục Đầu tư nước ngoài;

- GCNĐK ĐTRNN: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

- NHNNVN: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Cục DNNN: Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước;

- Vụ ĐT: Vụ Đầu tư;

- Phòng HC, VPB: Phòng Hành chính, Văn phòng Bộ Tài chính.

Quyết định 1389/QĐ-BTC 2025 quy trình nội bộ thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài

Tin Liên Quan

Đặt lịch hẹn hoặc tư vấn trực tiếp

Tư Vấn Qua Email