Sửa đổi thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh (đề xuất)

Tòa án nhân dân tối cao đã có dự thảo Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án (dự thảo Luật).

Sửa đổi thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh (đề xuất)

Cụ thể, tại khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật đề xuất sửa đổi Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

- Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Tòa gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định hôn nhân và gia đình chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Tòa kinh tế Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định kinh doanh, thương mại chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Tòa lao động Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định lao động chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Hiện hành, tại Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh như sau:

* Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:

- Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

- Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

* Tòa gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:

- Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

- Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định hôn nhân và gia đình chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

* Tòa kinh tế Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:

- Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

- Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định kinh doanh, thương mại chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

* Tòa lao động Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:

- Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

- Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định lao động chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Như vậy, tại dự thảo Luật đã đề xuất sửa đổi thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cụ thể, dự thảo Luật đề xuất Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền xét xử phúc thẩm những tranh chấp, yêu cầu thuộc thẩm quyền của tòa, đề xuất bãi bỏ thẩm quyền xét xử sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh như hiện hành.

Tin Liên Quan

Đặt lịch hẹn hoặc tư vấn trực tiếp

Tư Vấn Qua Email