Tại sao vẫn tiếp tục xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo?
Dù TP Hà Nội đã rất nỗ lực trong việc xoá nhà siêu mỏng, siêu méo tại những con đường mới mở vẫn xuất hiện những ngôi nhà hình dáng kỳ quái khiến người dân bức xúc. Nguyên nhân vì đâu vẫn xuất hiện tình trạng xây dựng trái phép những ngôi nhà này?
Dọc theo dự án mở rộng đường Nguyễn Tuân (dài hơn 700m), mới đây đã xuất hiện hàng chục căn nhà siêu mỏng, siêu méo, trong đó có nhiều căn chỉ còn diện tích 5 – 6 m² nhưng vẫn xây dựng cao đến 2 tầng, thậm chí có ngôi nhà hình tam giác với một cạnh chỉ hơn 30cm, tổng diện tích khoảng 6m² đã hoàn thiện và án ngữ ngay mặt tiền công trình giao thông đô thị.
Hiện tượng “nhà siêu mỏng, siêu méo” không phải chỉ diễn ra trên phố Nguyễn Tuân mà xuất hiện rải rác sau mỗi dự án mở rộng đường lớn tại Hà Nội, như tuyến Tố Hữu (Hà Đông), Ô Chợ Dừa – Kim Liên...
Theo luật sư Hoàng Tùng – Văn phòng luật sư Trung Hòa – Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do quá trình mở rộng các tuyến đường, trong đó có phố Nguyễn Tuân, đã không thu hồi hết các thửa đất nhỏ lẻ không đủ tiêu chuẩn xây dựng hai bên đường, hoặc sau khi phần mặt bằng được bàn giao nhưng chưa kịp triển khai dải đất hai bên đường theo quy hoạch, tạo thành khoảng trống pháp lý. Điều này khiến nhiều mảnh đất còn lại có diện tích quá nhỏ, không đủ điều kiện cấp phép xây dựng, nhưng vẫn được người dân tận dụng để xây dựng nhà ở hoặc kinh doanh, dẫn đến hình thành các công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Người dân tự xây nhà siêu mỏng chủ yếu nhằm “giữ đất” để chờ đền bù tăng giá, hoặc dùng làm công cụ ép giá với ô đất phía sau. Việc chính quyền địa phương quản lý lỏng lẻo, xử lý chậm trễ càng khuyến khích hành vi này.
Những ngôi nhà này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do kết cấu không đảm bảo. Ngoài ra, việc tồn tại các công trình như vậy còn phản ánh sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch và quản lý đô thị, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân và sự phát triển bền vững của thành phố.
Theo Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội có hiệu lực từ ngày 7/10/2024, các trường hợp sau thu hồi không đủ điều kiện tồn tại đối với đất ở gồm:
+ Thửa đất sau thu hồi có diện tích nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 15m², hoặc kích thước mặt tiền/chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3m;
+ Thửa đất không có lối đi và diện tích đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa.
Quy định này rõ ràng cấm tồn tại các “mụn xương đô thị” dưới 15m², nhưng trên thực tế nhiều căn vẫn được hoàn thiện bất chấp vi phạm quy chuẩn. Việc để hàng chục căn nhà kỳ dị mọc lên ngay tuyến đường mới cho thấy sự lúng túng, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các phòng ban liên quan.
Còn theo theo luật sư Đỗ Quang Hưng, Công ty luật TNHH LawPro, Đoàn Luật sư TP Hà Nội những trường hợp người sở hữu đất đai không có phương án chuyển nhượng, tặng cho hợp thửa đối với các thửa đất đủ điều kiện hợp thửa theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm thuộc về các cơ quan đề xuất phương án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Các cơ quan này khi lập phương án thu hồi đất phải tính đến các trường hợp, các hộ gia đình, các cá nhân, các chủ sở hữu, chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, có đủ điều kiện để đổi lại giấy chứng nhận sử dụng đất của họ hay không; hay đủ điều kiện để hợp thửa hay không? Từ đó họ đề xuất phương án thay thế.
Trong trường hợp nếu như phương án thứ nhất không thực hiện được, họ có thể chuyển sang phương án thứ hai là nhà nước tiếp tục làm việc với người dân để thu hồi phần đất còn lại của người dân khi không đủ điều kiện xây dựng.

Theo ông Hưng, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về cơ quan thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, các trung tâm quỹ đất. Sau khi họ đã thực hiện ban hành quyết định thu hồi đất thì trách nhiệm còn lại đó là từ phía cơ quan quản lý về xây dựng tại địa phương cụ thể là UBND quận Thanh Xuân, cũng như phường quản lý tại nơi đó. Tại sao trên địa bàn lại có thể diễn ra các hoạt động xây dựng trái pháp luật như vậy?
Với Hà Nội, trong Luật Thủ đô 2024 đã có quy định không xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo. Các văn bản này cũng nêu ra các quy định để quản lý và giám sát. Trong đó có quy định, khi quy hoạch mở đường phải xác định các lô đất siêu mỏng, siêu méo không xây dựng được. Tuy nhiên, thực tế là dù đã có văn bản pháp lý nhưng khi các công trình cũ chưa giải quyết xong thì một loạt các căn nhà không đủ tiêu chuẩn lại tiếp tục mọc lên trên các tuyến đường mới mở.
Để giải quyết tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo, luật sư Hoàng Tùng cho rằng thành phố có thể song song thực hiện một số biện pháp như:
Tăng cường cưỡng chế: Quận Thanh Xuân cần phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, UBND TP để nhanh chóng tổ chức cưỡng chế, phá dỡ các công trình vi phạm.
Song hành quy hoạch – hạ tầng: Mỗi dự án mở đường phải có kế hoạch giải phóng mặt bằng hai bên, bảo đảm tuyến – phố thông suốt, tránh đường ra đường, phố ra phố.
Chính sách đền bù – tái định cư hợp lý: Xác định giá thị trường, hỗ trợ tái định cư cho hộ dân có công trình dưới chuẩn nhưng nằm trong diện phải bóc tách.
Minh bạch thông tin: Công khai quy hoạch, tiến độ bồi thường, xử lý vi phạm để người dân giám sát, giảm động cơ trục lợi bồi thường.
Ngoài ra có thể tham khảo những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan đã dùng cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai trong việc mở đường tại các đô thị. Một phần đất còn lại sau khi đền bù được đấu giá để lấy tiền xây dựng con đường. Với phương thức này, lợi ích từ hạ tầng mới được chia sẻ hợp lý giữa Nhà nước và người đang sử dụng đất.
Theo báo Kinh tế Đô Thị